Chuyện của Thanh Thủy, 12 năm sau (2/3)

               Nhất là cháu có ý thức về những  khuyết tật về trí tuệ của mình so với hai anh . Đây không phải là sự ghen tuông đối với các anh, những người cháu rất hâm mộ, mà là một sự không hiểu được vì sao mình không thể bằng các anh .
Không hiếm khi có người hỏi cháu học những môn gì ở trường tư mà cháu theo học, cháu đã trả lời là môn toán hay lý.
Trong khi thực ra trường này chuyên dạy những căn bản để thích nghi với đời sống hàng ngày như mua sắm, rửa chén đĩa, hay dọn bàn ăn .
Chúng tôi vẫn thường thật xúc động khi nhớ lại những buổi dài cháu hết sức loay hoay một mình giải những bài tính cộng đơn giản .

               Việc vẽ tranh của cháu cũng thăng trầm theo cảm nhận của cháu về thực tế cuộc sống, dễ chịu hay là in dấu những thất vọng .
Các bức tranh của cháu bộc lộ những tình cảm bên trong . Khi thì rực rỡ sắc màu, từ xanh lam thắm sang hồng thắm, khi âm thầm màu xám hay đen thể hiện những ngôi nhà trơ trọi với cửa ra vào và cửa sổ đóng kín bưng, hay những nét cọ màu đen xáo động . Nhưng bao giờ cũng rất biểu cảm .
Phản chiếu những trạng thái tâm hồn từng lúc, tranh của cháu gây xúc động bởi sự sống động, giàu tình cảm, và ngay cả sự ngây thơ.
               Tùy theo giờ rảnh của các thầy dạy vẽ, Thủy xen kẽ những khóa học ở nhà với những khóa học chung ở phòng tranh Arc en Ciel tại thị xã Antony;  ở đó thấy rõ niềm hãnh diện của cháu vì được là một học sinh giống như các học sinh khác.
               Nhờ rất nhiều cơ may và cũng do kết quả sự tìm kiếm khắp nơi của chúng tôi, cháu luôn luôn có được những người thầy giỏi, chuyên nghiệp, nhưng nhất là có tấm lòng .

               Trong nhiều năm, chúng tôi luôn đòi hỏi cháu . Mỗi ngày của cháu đầy ắp từng phút, xen kẽ giữa nhà trường với những khóa học tư .

               Trải qua nhiều năm, chúng tôi thay nhau bảo đảm cho Thủy một cuộc sống đầy đủ nhất có thể được, để bù lại phần nào sự không may của cháu .
Gia đình các con chúng tôi cũng luôn cố gắng liên tục để làm cho cuộc sống của Thủy được vui vẻ .

               Các cô cháu gái nội của chúng tôi rất chú tâm đến người cô của chúng .
Đứa cháu lớn, ngay từ lúc lên năm đã hiểu nỗi đau của chúng tôi trước bệnh tật của Thủy .
Một hôm chúng tôi thật xúc động và thỏa mãn khi bắt chợt câu chuyện cháu nói với đứa em gái . Cháu giải thích cho em rằng không phải khi nào vui thích mới yêu thương cô, mà đó cũng là bổ phận của hai chị em .

               Tuy nhiên, với thời gian và gánh nặng tuổi tác, chồng tôi bắt đầu mệt mỏi vì những nỗ lực hằng ngày trong mấy chục năm, về thể xác nhưng nhất là về tâm thần, và tình thế có lúc đường như không lối thoát và không thể vượt qua đối với chúng tôi .
Về phần tôi, phải dành tất cả sức lực cho một nghề nghiệp đòi hỏi trí óc lẫn chân tay, và vào việc dạy dỗ Thủy  nên sức khỏe bắt đầu giảm nhiều , hậu quả của những sự thúc bách gần như thường trực . Tôi  bắt buộc phải về hưu trước kỳ hạn vì thiếu khả năng thể lực .

               Đối với Thủy việc nghỉ hưu của tôi làm cho cuộc sống của cháu bị đảo lộn nhiều .
Thoát khỏi những bận bịu về nghề nghiệp và thường xuyên ở nhà, sự hiện diện liên tục của tôi là một sự  gò bó đối với cháu, vào lúc tuổi của cháu đòi hỏi nhiều sự nới lỏng mối ràng buộc với cha mẹ .

Cùng lúc,  đám cưới và sự ra đời của các cháu gái khiến hai anh ít có mặt hơn nên Thủy cảm thấy như mình bị bỏ rơi .

               Bắt đầu cho Thủy một giai đoạn xáo trộn lớn về tâm lý, kèm theo chứng ăn vô độ khiến chúng tôi cảm thấy bất lực, nhất là chúng tôi tin chắc đã tận hiến những gì tốt nhất của đời mình cho cháu .
Để đáp ứng, chúng tôi tìm cách có mặt nhiều hơn và chăm sóc hơn nữa cho cháu, trong khi giải pháp là ngược lại .
Nhưng điều này mãi về sau chúng tôi mới thấu hiểu .
Tuy chúng tôi đáng lẽ phải được cảnh báo từ trước, vì từ lúc Thủy ở độ tuổi 20, khi chúng tôi dẫn cháu đến chơi nhà bạn bè, cháu thường hỏi có đông người “về hưu sớm” hay không ?
Mỗi cuối tuần, cháu sốt ruột ngóng chờ cha mẹ ra khỏi nhà để được tự do một mình !

                Cháu không còn thích gắng sức, bỏ bê việc bơi, tập võ, tập đàn và xướng âm .

               Tiếp theo là những năm dài đi thăm khám các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần .
Có lúc, kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác, chúng tôi sẵn sàng theo lời khuyên của một vài thầy thuốc cho cháu uống các loại thuốc an thần,  nếu không có sự phản đối quyết liệt của các anh cháu và nhờ xem một buổi phát tivi kể lại những tác hại của việc sử dụng chúng, do một nữ tài tử Pháp thực hiện dựa trên kinh nghiệm của chính người em gái (theo tôi nhớ thì đó là Sandrine Bonnaire) .

            Có người khác gợi ý đưa Thủy vào nhà nuôi người khuyết tật . Chúng tôi đã đi thăm nhiều nơi ấy và trở về với sự ngao ngán vì những điều kiện ở đấy thật khó chịu đựng cho Thủy, vốn có rất nhiều khả năng nghệ thuật .

               Cuối cùng lời đáp chủ yếu đến từ bác sĩ Martin, người mà chúng tôi biết ơn một cách sâu sắc. Với lòng nhân từ và tình thương người,  ông đã thuyết phục chúng tôi áp dụng cách cư xử với Thủy : tách xa cháu càng nhiều càng tốt, để cháu có thể có đời sống riêng của mình :
“Xa ngõ gần lòng”, bác sỹ Martin nhớ lại một câu cách ngôn phương Đông .

               Nhờ sự kiên trì của ông và sự khuyến khích của các anh và các chị dâu cháu, chúng tôi nảy ra ý tưởng về một chỗ ở độc lập cho Thủy .
               Thêm nữa, khủng hỏang kinh tế khởi sự ở Mỹ và lan rộng sang châu Âu, cùng nỗi lo sợ các ngân hàng phá sản đã khiến chúng tôi quyết định rút tiền tiết kiệm để xây chỗ ở cho cháu ngay tại nhà .

               Chúng tôi may mắn sở hữu một ngôi nhà có vườn rộng và có thể xây một chỗ ở riêng biệt cho Thủy ở cuối vườn .
Điều ấy cho phép cháu sống một đời sống tương đối tự quản, và cho chúng tôi khả năng trông chừng cháu một cách kín đáo .

               Thủy thờ ơ nhìn tất cả những sự tới lui ấy . Điều này khiến chúng tôi lo cháu từ chối di chuyển chỗ ở.

               Nhưng ngày mọi sự đã sẵn sàng cho việc dọn nhà chúng tôi rất ngạc nhiên vì cháu không chần chờ chuyển vào chỗ ở mới của mình .
Từ đấy rất hiếm khi cháu quay lại căn buồng cũ .
               Như vậy chúng tôi đo được nhu cầu lớn lao được tự quản và được tách khỏi cha mẹ của cháu .

            Tổ chức đời sống mới này không hề đơn giản .
Chúng tôi phải phân thân giữa hai nơi ở, công việc hàng ngày nhân gấp hai, cũng như các khoản chi tiêu . Tình thế thật không dễ quản lý.
Dần dà, với rất nhiều cố gắng, tôi đã thu xếp được công việc hàng ngày và tìm được người đủ năng lực trông nom cháu .

               Ban đầu khi những người có trách nhiệm lo cho cháu vắng mặt, cháu sang ăn cơm với chúng tôi bên nhà cũ, nhưng sau một năm, cháu biểu hiện ngày càng có nhu cầu hoàn toàn tự quản, đòi ăn cơm trong “căn lều” của mình, theo cách nói của cháu .

               Nhờ được GS Réthoré ở Viện Lejeune – Paris theo dõi sức khỏe thường xuyên và nhờ các thứ thuốc được kê nhằm làm giảm khiếm khuyết của cháu, chủ yếu là acide folique, selen, và bởi vì bệnh của cháu còn nhẹ, Thủy đã có thể theo một cấp học chuẩn cho đến lớp Sơ yếu 1 .

               Với sự cố gắng động viên của chúng tôi, cháu đã biết đọc và cũng viết được một ít.  Điều này giúp cháu hiểu các từ và cả các nốt nhạc khi bắt đầu học piano và bộ gõ .

Tiếp theo

Droits d'auteur / copyright

Commentaires

  • Trường Mai  De 23 août 2012 à 21 h 48 min

    Anh Chị Đào &Dung thân mến .
    Xin cám ơn anh chị đã gửi cho xem tài liệu thật cảm động của chị Dung viết về Thủy , đã diễn tả tấm lòng yêu thương vô bờ bến của bậc cha mẹ dành cho con của anh chị đã làm cho những người đọc rất xúc động khi thấy sự động viên tinh thần cùng nhiều hy sinh của anh chị và Huy &Khang với sự hợp tác của Trâm-Anh&Thanh-Tuyền , quả thật là cao quý , là một gương sáng để mọi người phục .
    Anh chị đã giỏi dậy dỗ Thủy , anh chị đã hướng dẫn để Thủy trở thành một người tài giỏi qua những bức tranh ảnh do Thủy vẽ , thật là nhiều công trình của anh chị và thật đáng khen Thủy đã đạt được thành công , cầu mong cho Thủy được nhiều may mắn

Laisser un commentaire